Ung thư vú là mối đe dọa hàng đầu cho sức khỏe phụ nữ ở Việt Nam

4 tháng trước | Kiến thức Mẹ & Bé

Trong năm 2022 có tới 24.563 phụ nữ được phát hiện ung thư vú, chiếm tới 28,9% các trường hợp ung thư ở nữ giới tại Việt Nam, với 10.008 bệnh nhân tử vong.

Việc phát hiện, chẩn đoán sớm bệnh ung thư có vai trò quan trọng trong điều trị và tiên lượng. Thống kê tại Hoa Kỳ cho thấy, nếu ung thư vú được chẩn đoán sớm khi bệnh còn khu trú trong tuyến vú thì tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân sau điều trị lên tới trên 90%. Tuy nhiên khi ung thư đã lan ra khỏi tuyến vú, tới hạch bạch huyết và các tổ chức xung quanh tỷ lệ sống còn sẽ giảm xuống < 86%. Khi ung thư đã di căn tới các cơ quan khác của cơ thể (giai đoạn muộn) như di căn phổi, gan, xương, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn có 30%.

Tuy nhiên, đừng để những con số này làm bạn lo lắng. Việc phát hiện sớm chính là chìa khóa giúp bạn chiến thắng căn bệnh quái ác này.

 

Tầm soát ung thư vú là gì?

 

Là phát hiện, chẩn đoán sớm bệnh ung thư khi chưa có biểu hiện các dấu hiệu của bệnh. Mục tiêu của tầm soát không chỉ là phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nhất mà còn giúp nâng cao tỷ lệ chữa khỏi và giảm thiểu nguy cơ tử vong.

Các xét nghiệm tầm soát được thực hiện khi bạn không có triệu chứng hay dấu hiệu nào của ung thư.

Những phụ nữ có tiền sử gia đình hoặc bản thân mắc bệnh ung thư hoặc có các yếu tố nguy cơ cũng được đề nghị xét nghiệm di truyền (tìm đột biến gen gây ung thư ví dụ như: BRCA1, BRCA 2).

Nếu kết quả xét nghiệm tầm soát bất thường, bạn cần thực hiện nhiều xét nghiệm hơn để tìm hiểu xem mình có bị ung thư hay không. Chúng được gọi là xét nghiệm chẩn đoán không phải là tầm soát nữa.

 

Khi nào bạn nên tầm soát ung thư vú?

 

Tỷ lệ mắc ung thư vú thấp ở độ tuổi dưới 40 và sau đó bắt đầu tăng lên khi phụ nữ già đi.

Tuổi tầm soát ung thư vú: bạn có thể tầm soát ung thư vú từ năm 20 tuổi

- Dưới 40 tuổi: Khám vú và siêu âm vú định kỳ hàng năm hay khi có bất thường

- Tuổi 40 - 49 tuổi: Chụp nhũ ảnh, phối hợp khám và siêu âm vú định kỳ 1-2 năm/lần.

- Tuổi 50 – 75 tuổi: Ưu tiên chụp nhũ ảnh, phối hợp khám và siêu âm vú định kỳ mỗi 1-2 năm/lần.

- Từ 75 tuổi trở lên: chỉ nên tầm soát nếu tuổi thọ của họ dự kiến ít nhất là 10 năm. Đối với những phụ nữ trong độ tuổi này muốn được sàng lọc, việc sàng lọc bằng chụp nhũ ảnh hai năm một lần là phù hợp

 

Các phương pháp tầm soát ung thư vú

  1. Khám lâm sàng tuyến vú: 

Bác sĩ sẽ hỏi tiền căn bản thân, gia đình bạn: ung thư vú, buồng trứng, tuổi có kinh lần đầu, tuổi mãn kinh, số con trong gia đình…

Khám lâm sàng vú

Khám vú tìm những bất thường ở vú, đánh giá nguy cơ ung thư cao hay thấp, có chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm phù hợp.

 

  1. Chụp nhũ ảnh (X-quang vú): 

Chụp nhũ ảnh là phương tiện duy nhất được chứng minh làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú. Tuy nhiên, X-quang vú có thể bỏ sót tới 20% các trường hợp ung thư vú ở phụ nữ có mô vú dày đặc (mô vú dày thường gặp ở phụ nữ Châu Á), vì khối u và mô vú dày đặc đều có màu trắng trên phim chụp X-quang vú. 

Chụp nhũ ảnh là kỹ thuật giúp phát hiện sớm ung thư vú ngay khi bướu chưa tạo thành khối u và tổn thương nhỏ này không thể phát hiện qua siêu âm hay sờ thấy.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và Hội X- Quang Hoa Kỳ:

Phụ nữ từ 40 tuổi có thể bắt đầu tầm soát bệnh tuyến vú bằng kỹ thuật chụp nhũ ảnh hàng năm.

 

         

 

Chụp nhũ ảnh (X-quang vú)

 

Các phương pháp khác:

  1. Siêu âm vú:

Tuy không phải là phương pháp chính để tầm soát ung thư vú, nhưng siêu âm có vai trò hỗ trợ nhũ ảnh và khám lâm sàng giúp phát hiện ung thư vú ở phụ nữ trẻ hoặc phụ nữ có mô vú dày. Siêu âm vú cung cấp những hình ảnh bất thường của tuyến vú ở phụ nữ mọi độ tuổi. Giúp phân biệt được khối mờ trên nhũ ảnh là u đặc hay chứa chất lỏng. Hỗ trợ sinh thiết tổn thương nghi ngờ.

Ưu điểm của phương pháp siêu âm vú: Không nhiễm tia xạ, không đau, dễ thực hiện, chi phí thấp.

 

Siêu âm tuyến vú

  1. MRI vú:

Thực hiện kết hợp với chụp nhũ ảnh được sử dụng chủ yếu để sàng lọc những bệnh nhân có nguy cơ cao ung thư vú (khi nguy cơ ung thư vú > 20%), các đối tượng có nguy cơ cao bao gồm:

  • Có người thân thế hệ thứ nhất (mẹ, chị, em hoặc con gái) mắc ung thư vú lúc trẻ, trước 35 – 40 tuổi.
  • Có mang đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2.
  • Có người thân thế hệ thứ nhất (cha mẹ, anh chị em hoặc con) bị đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 và chưa được xét nghiệm di truyền.
  • Đã xạ trị vùng ngực trong giai đoạn 10 – 30 tuổi.
  • Mắc hội chứng Li-Fraumeni, hội chứng Cowden hoặc hội chứng Bannayan-Riley-Ruvalcaba.
  1. Tự khám vú

Chụp MRI vú

Vai trò của tự khám vú trong tầm soát chưa được chứng minh về lợi ích và hiệu quả, nhưng có một số nghiên cứu ghi nhận tự khám vú đúng kĩ thuật giảm khoảng 35% nguy cơ mắc bệnh ung thư vú giai đoạn tiến triển. Vì vậy, Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến nghị tự khám vú nhằm nâng cao nhận thức ở những phụ nữ có nguy cơ.

(Tìm hiểu thêm trình tự các bước tự khám vú tại nhà)

 

Tầm soát ung thư vú vào thời điểm nào là tốt nhất?

 

Nếu chưa mãn kinh: khi vừa sạch kinh 3-5 ngày nhằm giảm cảm giác khó chịu, căng đau ở vú khi chụp nhũ ảnh.

 

Phụ nữ mãn kinh: có thể khám bất kì thòi điểm nào

 

Tầm soát ung thư vú ở phụ nữ chính xác tuyệt đối không?

 

Tầm soát giúp phát hiện sớm ung thư vú, tuy nhiên vẫn có những rủi ro 

Kết quả âm tính giả: Việc tầm soát không phải lúc nào phát hiện hết tất cả trường hợp ung thư. 

Vì vậy, nếu kết quả của bạn bình thường bác sĩ của bạn vẫn dặn dò tái khám định kì mỗi 6-12 tháng nhằm phát hiện các trường hợp ung thư mới hoặc đã có nhưng chưa thấy trên các xét nghiệm đã làm trước đó.

 

Kết quả dương tính giả: Các xét nghiệm ghi nhận có tổn thương nghi ngờ ung thư nhưng sau khi thực hiện tiếp các xét nghiệm chẩn đoán kết quả cuối cùng không phải ung thư, gây hoang mang lo lắng.

Nếu kết quả nghi ngờ, bạn nên làm các xét nghiệm chẩn đoán (như: sinh thiết kim nhỏ, sinh thiết kim lớn, hút chân không lấy trọn khối u – VABB, mổ sinh thiết, nhuộm hóa mô miễn dịch…)

 

Quy trình tầm soát ung thư vú tại SIHospital

 

Tại SIHospital, chúng tôi cung cấp quy trình tầm soát ung thư vú toàn diện và chuyên nghiệp. Bạn sẽ được trải qua các bước sau:

  • Thăm khám và tư vấn: Bác sĩ chuyên khoa Nhũ sẽ tìm hiểu tiền sử bệnh của bạn và gia đình, đánh giá các yếu tố nguy cơ và tư vấn phương pháp tầm soát phù hợp.
  • Thực hiện các xét nghiệm: Tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe, bạn sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm như khám lâm sàng, siêu âm, chụp nhũ ảnh hoặc MRI.
  • Phân tích kết quả và tư vấn: Bác sĩ sẽ phân tích kết quả xét nghiệm, giải thích rõ ràng và đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp.

 

Ung thư vú không phải là dấu chấm hết. Phát hiện sớm có thể cứu sống bạn. Đừng ngần ngại liên hệ với SIHospital để được tư vấn và đặt lịch tầm soát ung thư vú ngay hôm nay.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. https://moh.gov.vn/tin-lien-quan/-/asset_publisher/vjYyM7O9aWnX/content/moi-nam-viet-nam-co-21-550-ca-mac-ung-thu-vu-khuyen-cao-cua-chuyen-gia-chi-em-can-biet
  2. https://gco.iarc.who.int/media/globocan/factsheets/populations/704-viet-nam-fact-sheet.pdf

Thông tin liên quan

...
Lớp tiền sản 100% miễn phí tại SIHospital: Dấu hiệu cần khám cấp cứu trong thai kỳ

Link đăng ký: https://lopti...

5 tháng trước | Tin tức
...
Hỏi đáp trực tiếp cùng 02 chuyên gia Sản phụ khoa hàng đầu tại SIHopsital

Hỏi đáp trực tiếp cùng 02 c...

5 tháng trước | Tin tức

Video