Nhận biết và phòng chống sốt xuất huyết
Vào dịp mùa mưa hàng năm, bệnh sốt xuất huyết (SXH) ghi nhận gia tăng. Bệnh được truyền nhiễm thông qua muỗi vằn – côn trùng trung gian truyền bệnh.
Bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Và có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán sớm và xử lý kịp thời.
Tính từ ngày 28/10/2024 đến ngày 03/11/2024 (tuần 44), TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 661 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 21% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 44 là 10.641 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Quận 1, TP. Thủ Đức và Quận 7.
Đáng chú ý, dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng liên tục trong 4 tuần gần đây từ 516 ca ở tuần 41 lên 661 ca ở tuần 44. Số ca nhập viện trong tuần qua (từ 28/10/2024 đến ngày 03/11/2024) cũng gia tăng với 414 ca, tăng 89 ca so với tuần trước, trong đó có 113 ca lưu trú tại tỉnh khác (chiếm tỷ lệ 27,3%). Trung bình số ca nặng điều trị là 12 ca/ngày.
Nguồn thông tin: Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tp.HCM
I. Khi nào nên nghi ngờ bị bệnh sốt xuất huyết?
Dấu hiệu quan trọng nhất trong bệnh SXH là SỐT.
Sốt của SXH có đặc điểm là sốt cao 39 - 40oC, liên tục, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt.
Bên cạnh đó còn có các dấu hiệu kèm theo như: đau nhức mình mẩy, đau đầu, đau sau hốc mắt, người uể oải, khó chịu, chán ăn, buồn nôn, có thể có nổi mẩn, phát ban, da xung huyết,…
Khi nghi ngờ mắc bệnh SXH cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị. Để chẩn đoán chính xác bệnh, bác sĩ có thể thực hiện thêm một số xét nghiệm.
Tùy và sức khỏe của người bệnh có thể lưu viện để điều trị hoặc được bác sĩ chỉ định về nhà theo dõi.
II. Khi theo dõi người bệnh tại nhà, chúng ta cần lưu ý gì để đưa bệnh nhân đi khám ngay?
• Nôn ói nhiều
• Đau bụng
• Có biểu hiện chảy máu: chân răng, mũi, ói ra máu, đi cầu phân đen, có kinh bất thường ở nữ
• Lừ đừ, bứt rứt, bồn chồn
• Khó thở, thở nhanh
• Trẻ em có biểu hiện bỏ ăn, bỏ bú, mệt mỏi dù hết sốt
III. Phòng bệnh Sốt xuất huyết bằng cách nào?
Tại Việt Nam hiện nay CHƯA CÓ VẮC-XIN PHÒNG BỆNH nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là:
KHÔNG cho muỗi đốt
KHÔNG cho muỗi đẻ
KHÔNG cho muỗi ở
Trong đó quan trọng nhất là không cho muỗi đẻ thông qua hoạt động tìm và triệt nơi sinh sản của muỗi vằn.
Muỗi vằn đẻ trứng ở các vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch, trong và xung quanh nhà như: bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây…; các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, chén nước kê tủ bếp, vỏ xe đã qua sử dụng, vỏ dừa, xô chậu, lọ trồng cây thủy sinh...
Lưu ý, muỗi vằn không đẻ trứng ở ao tù, kênh rạch. Hàng tuần mỗi hộ gia đình, cơ quan, đơn vị nên tìm và xử lý các đồ vật, khu vực đọng nước xung quanh nơi ở, nơi làm việc, học tập. Xử lý các vật chứa nước có thể phát sinh lăng quăng theo 07 nguyên tắc:
1. Ngăn cản muỗi tiếp xúc nguồn nước: Dùng giải pháp che, đậy kín vật chứa bằng vật liệu mà muỗi không bay qua được như: vải, nylon, lưới chống muỗi, nhựa, gỗ, … Và phải đảm bảo đậy kín không có khe hở để muỗi bay vào.
2. Sử dụng thiên địch của lăng quăng: Cá (các loại cá ăn lăng quăng), bọ nước (mesocyclops), … là các loài động vật sống trong môi trường nước và lăng quăng là nguồn thức ăn của chúng.
3. Sử dụng hóa chất để diệt lăng quăng: Sử dụng hóa chất diệt lăng quăng theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
4. Không để các vật có thể chứa nước bị đọng nước: Lật úp vật chứa, đục lỗ, khơi thông dòng chảy, làm bằng phẳng các nơi bị đọng nước, che chắn để tránh nước mưa.
5. Loại bỏ vật chứa nước: loại bỏ phế liệu, thu gom rác thải có thể trở thành môi trường sống của muỗi.
6. Thường xuyên vệ sinh, làm sạch vật chứa nước: thay nước và chà rửa vật chứa nước định kỳ không quá 7 ngày 1 lần.
7. Thay đổi hình thức trữ nước: Thay đổi tập quán trữ nước, không sử dụng các vật chứa nước có nguy cơ đọng nước làm phát sinh lăng quăng mà thay bằng sử dụng trực tiếp từ vòi nước.
Responsive offcanvas
Danh mục
Tin xem nhiều
Khi nào trẻ sơ sinh có thể nhìn rõ và nhận biết màu sắc?
khoảng 2 tháng trướcNgày thế giới vì trẻ sinh non 17.11.2024
khoảng 2 tháng trước