Những lưu ý khi khám Hiếm muộn lần đầu
Hiếm muộn là gì?
Hiện nay, khái niệm về hiếm muộn ngày càng phổ biến đối với các cặp vợ chồng và việc xác định chính xác nguyên nhân hiếm muộn cũng là một thách thức đối với y bác sĩ. Nếu các bạn đã kết hôn một năm trở lên, quan hệ đều 2 – 3 lần/tuần, không sử dụng bất kì biện pháp phòng tránh thai nào mà vẫn chưa có thai tự nhiên thì các bạn nên nghĩ đến việc thăm khám hỗ trợ sinh sản. Hiếm muộn nếu được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ góp phần tăng khả năng thành công.
Nếu bạn là nữ và trên 35 tuổi, bạn cũng nên chủ động kiểm tra sức khỏe sinh sản định kỳ nếu vẫn còn muốn có em bé. Hoặc nếu vợ chồng bạn nhận thấy cơ thể có những thay đổi bất thường, các bạn cũng nên khám chuyên khoa để kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh hậu quả không mong muốn về sau.
Sẽ có những bất thường mà các bạn có thể tự đánh giá được như:
- Bất thường trong kinh nguyệt: số ngày hành kinh rút ngắn hoặc kéo dài, đau bụng nhiều khi hành kinh, kinh nguyệt không đều, …
- Những thay đổi về nội tiết trong cơ thể dần biểu hiện ra bên ngoài: mất ngủ, tăng cân không kiểm soát, nổi mụn trên nhiều vị trí của cơ thể, …
- Sẩy thai hoặc thai lưu > 3 lần
- Mong con từ 6 tháng – 1 năm mặc dù không dùng biện pháp tránh thai nào
- Đã từng mắc bệnh quai bị và có biến chứng viêm tinh hoàn.
- Yếu tố nguy cơ: Làm việc trong môi trường hóa chất độc hại, chế độ sinh hoạt không hợp lý (uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, thức khuya,…) tiền sử phẫu thuật thoát vị bẹn, giãn tĩnh mạch thừng tinh…
- Các bạn vẫn sẽ có cơ hội làm cha, mẹ nếu không bỏ lỡ thời gian điều trị tốt nhất.
Nên đi khám hiếm muộn vào thời điểm nào?
Bạn có thể đi khám bất kỳ thời điểm nào mà hai vợ chồng sắp xếp được thời gian. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo hai thời điểm dưới đây để tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại trong quá trình điều trị nhé:
Đến thăm khám khi vừa sạch kinh (ngày 5 – ngày 9 chu kỳ kinh):
Khi đến vào thời điểm này, người vợ có thể khảo sát ống dẫn trứng thông hay tắc bằng cách chụp phim X-Quang buồng tử cung và vòi trứng có cản quang (HSG). Hoặc khảo sát buồng tử cung có bất thường hay không (ví dụ: polyp buồng tử cung, dính buồng tử cung, tử cung có vách ngăn…) bằng cách siêu âm bơm nước vào buồng tử cung (SIS). Nếu vợ chồng bạn rơi vào các trường hợp dưới đây thì các bạn nên đến khám vào thời điểm này để khảo sát nguyên nhân cũng như chuẩn bị tốt nhất trước khi tiến hành điều trị.
- Thời gian mong con trên 1 năm.
- Đã từng mổ lấy thai ít nhất 1 lần.
- Từng sảy, nạo, hút thai.
- Viêm nhiễm phụ khoa thời gian dài không điều trị ổn.
- Kinh nguyệt không đều.
Đến thăm khám khi đang hành kinh (ngày 1 – ngày 3 chu kỳ kinh):
Khi đến vào thời điểm này các bạn có thể quyết định điều trị ngay sau khi thảo luận cùng Bác sĩ phương pháp hỗ trợ sinh sản thích hợp. Nếu vợ chồng bạn đã từng thăm khám và có chỉ định điều trị trước đó, hoặc rơi vào các trường hợp dưới đây thì các bạn nên đi khám vào thời điểm này nhé.
- Thời gian mong con từ 6 tháng đến 1 năm.
- Chưa từng mang thai.
- Không đang mắc hoặc điều trị các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục như: HIV, viêm gan B, giang mai,…
Cần mang theo những giấy tờ gì khi đi khám?
- Bạn cần đem theo tất cả các kết quả xét nghiệm và hồ sơ đã khám hoặc điều trị trước đó tại cơ sở khác nếu có. Tuỳ vào các kết quả cũ mà BS sẽ tư vấn cho bạn có cần xét nghiệm bổ sung gì thêm hay không.
- Trường hợp bạn có đang điều trị các bệnh lý khác thì cần đem theo hồ sơ khám bệnh, thuốc hoặc toa thuốc mà bạn đang sử dụng để Bác sĩ có thể nắm rõ thông tin sức khỏe của bạn. Từ đó đưa ra hướng tư vấn và điều trị phù hợp nhất.
- Cuối cùng, bạn cùng đừng quên đem theo giấy tờ tùy thân nhé! Ít nhất bạn phải có CMND/CCCD hoặc hộ chiếu để các thông tin hành chính trong hồ sơ bệnh án của bạn được chính xác. Khi bạn quyết định tiến hành điều trị bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản (ví dụ: Bơm tinh trùng vào buồng tử cung, Thụ tinh trong ống nghiệm…), bạn sẽ cần phải bổ sung thêm giấy đăng ký kết hôn.
Cần chuẩn bị gì khi đi khám?
- Bạn cần chuẩn bị một tinh thần thật thoải mái, và một sức khỏe thật tốt, tránh căng thẳng hoặc mệt mỏi quá mức, vì có thể bạn sẽ phải tốn cả một ngày dài cho lần khám đầu tiên để thực hiện các xét nghiệm đấy.
- Bạn hãy sẵn sàng chia sẻ những vấn đề đang gặp phải cho Bác sĩ biết. Đồng thời bạn cũng nên cởi mở trả lời một số câu hỏi tế nhị của Bác sĩ như: Số lần quan hệ trong 1 tuần? Có xuất tinh được không? Có khó khăn khi xuất tinh không? Đã từng có thai hay nạo phá thai, sảy thai lần nào không? … Hoặc một số câu hỏi về lần điều trị trước nếu có.
Một số lưu ý khi đi khám:
- Hiện nay, hiếm muộn đã không còn quá xa lạ nữa. Vì vậy các bạn cũng nên hiểu và nên ưu tiên kiểm tra sức khỏe sinh sản định kỳ dù bạn đang có hay chưa mong con. Hãy đảm bảo rằng sức khỏe các bạn vẫn tốt và ổn cho đến khi bạn sẵn sàng tiếp nhận những thiên thần nhỏ bước vào cuộc sống của bạn.
- Điều trị hiếm muộn gần như là một cuộc chạy đua với thời gian. Điều trị chậm trễ có thể ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả và giảm khả năng thành công. Trong suốt quá trình ấy, luôn luôn cần sự đồng hành và thấu hiểu từ người bạn đời của mình. Hãy cùng nhau chia sẻ và cảm thông thay vì đổ lỗi các bạn nhé!
- Bạn hãy liệt kê trước các triệu chứng bất thường mà mình đang gặp phải hoặc các câu hỏi cần tham khảo ý kiến từ Bác sĩ nhé. Bạn có thể viết ra giấy, hoặc cũng có thể viết trên điện thoại, vì khi gặp Bác sĩ có thể bạn sẽ căng thẳng mà quên mất đấy.
- Người vợ nên lựa chọn trang phục rộng rãi, tốt nhất là mặc váy. Hãy hạn chế mặc những trang phục bó sát hay áo liền quần vì sẽ gây khó khăn cho việc thăm khám và siêu âm.
- Bạn cũng cần chuẩn bị chi phí cho việc thăm khám lần đầu và làm xét nghiệm khi Bác sĩ chỉ định nhé.
- Và cuối cùng, nên đi khám cả 2 vợ chồng nếu bạn sắp xếp được thời gian, vì nguyên nhân hiếm muộn có thể đến từ cả 2 phía. Đồng thời bất cứ phương án điều trị nào cũng cần có sự tham gia và đồng ý từ hai phía. Hãy để đối phương thấu hiểu, thông cảm và cùng đồng hành với bạn.
Responsive offcanvas
Danh mục
Tin xem nhiều
Sinh hoạt ảnh hưởng sức khỏe sinh sản: Có hay không?
5 tháng trướcNhững lưu ý khi khám Hiếm muộn lần đầu
5 tháng trước