Tầm soát ung thư cổ tử cung
Tầm soát là quá trình kiểm tra bệnh khi chưa có triệu chứng. Khám sàng lọc ung thư cổ tử cung là một phần quan trọng của chăm sóc sức khỏe định kỳ đối với phụ nữ.
Mục tiêu của sàng lọc ung thư cổ tử cung là tìm ra những thay đổi tiền ung thư ở tế bào cổ tử cung, khi đó có thể ngăn ngừa ung thư cổ tử cung phát triển. Việc sàng lọc cũng có thể phát hiện ngay cả giai đoạn đã phát triển thành ung thư. Khi triệu chứng xuất hiện, ung thư cổ tử cung có thể đã bắt đầu lan rộng, khiến điều trị trở nên khó khăn hơn.
Có ba phương pháp chính để sàng lọc ung thư cổ tử cung:
- Xét nghiệm HPV kiểm tra các tế bào có bị nhiễm các loại HPV có nguy cơ cao có thể gây ung thư cổ tử cung.
- Xét nghiệm Pap (còn gọi là phết tế bào Pap hoặc tế bào cổ tử cung) thu thập các tế bào cổ tử cung để kiểm tra các thay đổi có thể do HPV gây ra, nếu không được điều trị sớm bệnh sẽ chuyển thành ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm này có thể tìm thấy các tế bào tiền ung thư và tế bào ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm Pap đôi khi cũng phát hiện ra các tình trạng không phải ung thư, như nhiễm trùng hoặc viêm.
- Xét nghiệm kết hợp HPV/Pap sử dụng cả xét nghiệm HPV và xét nghiệm Pap để kiểm tra những thay đổi về tế bào cổ tử cung và HPV nguy cơ cao.
Khi nào nên sàng lọc ung thư cổ tử cung?
Tiêm vaccine HPV không hoàn toàn ngăn ngừa lây nhiễm với tất cả các loại HPV có nguy cơ cao, những người đã tiêm vaccine vẫn nên tuân theo các khuyến cáo sàng lọc ung thư cổ tử cung.
- Tuổi 21-29:
Nếu bạn ở trong độ tuổi này, bạn nên làm xét nghiệm Pap đầu tiên ở tuổi 21, và xét nghiệm Pap mỗi 3 năm/lần. Ngay cả khi bạn đã quan hệ tình dục, bạn không cần làm xét nghiệm Pap trước 21 tuổi.
- Độ tuổi 30-65:
Trong nhóm tuổi này, bạn nên sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng một trong các phương pháp sau:
- Xét nghiệm HPV mỗi 5 năm/lần
- Xét nghiệm kết hợp HPV/Pap mỗi 5 năm/lần
- Xét nghiệm Pap mỗi 3 năm/lần
- Trên 65 tuổi:
Trong trường hợp bạn đã sàng lọc thường xuyên và có kết quả xét nghiệm bình thường, bạn có thể không cần tiếp tục sàng lọc. Tuy nhiên, nếu kết quả xét nghiệm gần đây của bạn bất thường hoặc bạn không được sàng lọc thường xuyên, bạn có thể cần tiếp tục sàng lọc sau 65 tuổi.
Tìm hiểu thêm về nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung
Sàng lọc ung thư cổ tử cung có nguy hiểm không?
Sàng lọc có thể phát hiện các thay đổi cổ tử cung sớm, giảm nguy cơ tử vong do ung thư cổ tử cung của một người. Mặc dù có những lợi ích này, sàng lọc ung thư cổ tử cung không hoàn hảo và có một số rủi ro tiềm ẩn cần lưu ý.
Các rủi ro tiềm ẩn của sàng lọc ung thư cổ tử cung bao gồm:
- Các xét nghiệm và điều trị không cần thiết: Việc phát hiện dấu hiệu bất thường thông qua sàng lọc mà không gây ra ảnh hưởng có thể khiến các xét nghiệm hay điều trị không cần thiết. Tuy nhiên các khoảng thời gian sàng lọc và xét nghiệm được khuyến cáo hiện nay giảm khả năng tìm và điều trị các bất thường tế bào cổ tử cung có thể tự biến mất.
- Kết quả xét nghiệm dương tính giả: Kết quả xét nghiệm sàng lọc đôi khi có thể bất thường mặc dù không có tiền ung thư hoặc ung thư. Khi xét nghiệm Pap cho kết quả dương tính giả, điều này có thể gây lo lắng và thường được theo sau bởi nhiều xét nghiệm và thủ tục hơn (như colposcopy, cryotherapy, hoặc thủ tục cắt điện vòng), cũng có thể gây hại.
- Kết quả xét nghiệm âm tính giả: Kết quả xét nghiệm sàng lọc có thể xuất hiện bình thường mặc dù có tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung. Một người nhận được kết quả xét nghiệm âm tính giả sẽ làm trì hoãn tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay cả khi có triệu chứng.
Quy trình thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn:
Bước 1: Khám phụ khoa
Bạn sẽ gặp trực tiếp các bác sĩ sản phụ khoa hàng đầu để trao đổi, nêu những dấu hiệu bất thường (nếu có) để các bác sĩ chỉ định xét nghiệm phù hợp.
Bước 2: Xét nghiệm
Dựa trên chỉ định của bác sĩ, bạn tiến hành thực hiện các xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung như Pap Smear, Thinprep, hoặc đồng kiểm tra Pap Smear và HPV, Thinprep và HPV.
Bước 3: Trả kết quả xét nghiệm
Sau khi nhận các kết quả chỉ số xét nghiệm tế bào cổ tử cung, bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng và tư vấn phòng ngừa/điều trị.
Kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung sẽ có sau 7 - 14 ngày thực hiện lấy mẫu tế nào. Kết quả xét nghiệm sẽ được Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn thông báo đến khách hàng qua điện thoại, và trả kết quả về email mà khách hàng đã đăng ký, giúp bạn không phải chờ quá lâu cũng như di chuyển nhiều.
Nguồn tham khảo: https://www.cancer.gov/types/cervical/screening (cơ quan liên bang hàng đầu Hoa Kỳ về nghiên cứu ung thư)