Tổng quan về ung thư cổ tử cung: Nguyên nhân, yếu tố và cách phòng ngừa
- Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung
- Yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm HPV gây ung thư
- Ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa
- Tiêm phòng HPV
- Thời điểm tiêm vaccine HPV
- Sàng lọc ung thư cổ tử cung
Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung hầu như được gây ra bởi nhiễm trùng virus HPV (Human Papillomavirus). Đặc biệt, hai loại HPV nguy cơ cao, HPV 16 và HPV 18, là nguyên nhân của khoảng 70% các ca ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới.
Hầu như tất cả mọi người từng quan hệ tình dục đều có thể bị nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó trong đời. Phần lớn các nhiễm HPV sẽ tự khỏi trong vòng một hoặc hai năm khi hệ thống miễn dịch kiểm soát được nhiễm trùng. Những nhiễm trùng ngắn hạn này không gây ung thư. Tuy nhiên, nếu nhiễm trùng HPV có nguy cơ cao kéo dài nhiều năm, nó có thể dẫn đến sự thay đổi tế bào cổ tử cung, gây ra tổn thương tiền ung thư. Nếu tổn thương tiền ung thư không được phát hiện và loại bỏ, nó có thể phát triển thành ung thư cổ tử cung.
Những người bắt đầu quan hệ tình dục ở độ tuổi trẻ, đặc biệt là trước 18 tuổi, hoặc có nhiều bạn tình thường xuyên xảy ra nhiễm HPV nguy cơ cao hơn.
Yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm HPV gây ung thư
Một số yếu tố làm tăng khả năng nhiễm HPV nguy cơ cao, phát triển thành ung thư cổ tử cung bao gồm:
Hệ miễn dịch yếu: Người có hệ miễn dịch yếu dễ bị nhiễm trùng HPV kéo dài và tiến triển thành ung thư hơn người có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Người có hệ miễn dịch yếu có thể do:
- Nhiễm HIV hoặc các bệnh khác làm suy giảm hệ thống miễn dịch
- Dùng thuốc ức chế miễn dịch, chẳng hạn như để ngăn ngừa đào thải nội tạng sau khi cấy ghép, để điều trị một bệnh tự miễn dịch hoặc để điều trị ung thư.
Hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc: Những người hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung hơn.
Béo phì: Việc sàng lọc ung thư cổ tử cung có thể khó khăn hơn ở những người béo phì, dẫn đến việc phát hiện tổn thương tiền ung thư thấp hơn và nguy cơ ung thư cao hơn.
Ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa
Ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa được và nếu phát hiện sớm thì khả năng chữa khỏi rất cao. Gần như tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung có thể được phòng ngừa bằng cách tiêm chủng HPV, sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ, và điều trị phù hợp khi cần thiết.
Tiêm phòng HPV
Tiêm phòng HPV là cách an toàn và hiệu quả để giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Gardasil 9 là vắc-xin được FDA phê duyệt cho cả nam và nữ từ 9 đến 45 tuổi. Gardasil 9 được chấp thuận để ngăn ngừa các tổn thương tiền ung thư và ung thư do bảy loại HPV gây ung thư (16, 18, 31, 33, 45, 52, và 58) và để ngăn ngừa mụn cóc sinh dục do các loại HPV 6 và 11 gây ra. Vaccine HPV không điều trị nhiễm trùng HPV hiện có.
Thời điểm tiêm vaccine HPV
Vắc-xin HPV mang lại hiểu quả bảo vệ cao nhất khi được tiêm trước khi một người bắt đầu hoạt động tình dục. Những người đã quan hệ tình dục có thể nhận được sự bảo vệ ít hơn từ vắc-xin. Điều này là do những người có quan hệ tình dục có thể đã tiếp xúc với một số loại HPV mà vắc xin nhắm đến.
Vì tiêm phòng HPV không bảo vệ chống lại tất cả các loại HPV có thể gây ung thư cổ tử cung nên việc sàng lọc định kỳ vẫn rất quan trọng.
Hai xét nghiệm sàng lọc được sử dụng rộng rãi là xét nghiệm HPV và xét nghiệm tế bào học (còn được gọi là xét nghiệm Pap hoặc phết tế bào Pap). Những xét nghiệm này có thể phát hiện các trường hợp nhiễm HPV nguy cơ cao cũng như những thay đổi tế bào bất thường và tiền ung thư có thể được điều trị trước khi chúng chuyển thành ung thư. Vì vậy, điều quan trọng ở phụ nữ là phải xét nghiệm sàng lọc thường xuyên, bắt đầu từ độ tuổi 20.
Nguồn: https://www.cancer.gov/types/cervical/causes-risk-prevention